Thông Tin Tu Học Tài Liệu Liên Lạc

Thông Tin

Lịch sử hình thành trung tâm Kālāma

Để có được một trú xứ thích hợp cho hành giả tu tập trong điều kiện thích hợp nhất, Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) và nhóm hỗ trợ đã sang Myanmar tìm một nơi chốn lý tưởng nhất về cả thời tiết lẫn vị trí tiện lợi cho việc đi lại.



Với sự hướng dẫn của hai vị Sayadaw, nhóm đã tìm thấy một miếng đất rừng rộng 2 mẫu (20.000 mét vuông) ở Pyin Oo Lwin (tên cũ là Maymyo), nằm cạnh công viên quốc gia Kandawgyi với giá bán 300 ngàn Mỹ kim. Tuy chỉ cách trung tâm Mandalay (vốn nóng như thiêu vào mùa hè) 70 km, nhưng thời tiết ở đây mát mẻ như Đà Lạt ở Việt Nam. Từ đây có thể về phi trường Mandalay trong thời gian tối đa một tiếng rưỡi xe hơi. Hầu như tất cả các dòng thiền lớn nhất của Myanmar như Mahasi, Pa Auk đều có thiền viện tại Pyin Oo Lwin và các Phật Học Viện hàng đầu của Myanmar đều quần tụ quanh đây, chẳng hạn Đại Học Phật Giáo Sitagu ở Sagaing và trường Tam Tạng Tipitaka Pale Yaung Shein ở Mandalay...

Miếng đất có vị trí tuyệt hảo, nhưng giá bán quá cao, vượt khỏi khả năng của một nhóm nhỏ hộ pháp, và để tạo mãi được nơi này chắc chắn phải nhờ đến sự góp sức mạnh mẽ của tất cả bà con Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Kālāma – Nơi Nhìn Lại

Tôi suy nghĩ rất là nhiều về cái tên gọi của thiền đường tương lai của chúng ta, nói là tương lai nhưng sắp tới rồi. Tôi nghĩ hoài cuối cùng tôi đặt tên là Pārami. Như tôi phân tích trong bài viết hôm trước, Pārami có nghĩa là vượt qua. Pārami hay Pāramita được hình thành bởi hai từ tố Pāra+I. Pāra là bờ kia, bến khác hay bỉ ngạn và chữ I là ngữ căn của động từ Eti nghĩa là Đến, Tới. Gom chung lại, Pārami là Đáo Bỉ Ngạn, là qua bờ kia hay sang bến khác. Mà ý nghĩa này, trùng hợp thay, lại cũng chính là của chữ Việt (vượt, 越), tên gọi dân tộc và quốc hiệu của ta. Pārami cũng là từ nổi tiếng trong Phật Giáo ám chỉ hành trình vượt phàm sang thánh bằng cách huân tu hạnh lành để kiến lập Phật Đạo.

Nhưng lạ lắm, cách đây ba đêm, tôi bị cảm, tôi uống thuốc Neocitran của Thụy Sĩ, thuốc này giải cảm nhưng lại ngủ. Tôi ngủ say lắm. Chuyện này quí vị có thể không tin cho là chuyện phong thần, cũng không sao, bởi vì tôi cũng không nghĩ nó là cái gì huyền bí hay là một chấn động tâm thức nào đó, nhưng khả năng đó tôi cho là lớn hơn là khả năng do chư thiên. Tầm ba giờ sáng tôi ngủ rất say, ngay đầu giường ở hướng Bắc có ai đó nói một câu nghe rất khó hiểu: “Kalama đừng Pārami”. Tôi không hiểu, tôi nghe hơi nhỏ. Lại nghe lặp lại lần nữa: “Kalama đừng Pārami”. Lúc đó tôi ngủ say bởi vì thuốc mạnh lắm, Neocitran người ta uống nửa gói còn tôi uống cả gói. Trong giấc ngủ tôi nói thầm, Kalama không có nghĩa. Rồi tôi ngủ luôn.

Sáng sớm, tức vài tiếng đồng hồ sau giựt mình dậy tôi hết hồn. Pārami là tên tôi đặt cho thiền viện, người trong mơ tôi không biết là nam hay nữ nhưng sao người đó lại bảo là Kalama. Lúc đó tôi chợt nhớ: Ồ, Kalama không có nghĩa, nhưng đó là tên của ngôi làng mà Đức Thế Tôn ghé đến, người dân ở đó ra bạch với Ngài rằng nhiều người đến đây ai cũng nói mình là số một: “Có một số Sa-môn, Bà-la-môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn, và một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: "Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?"
Ngài nói rằng đừng quan tâm đến những gì gọi là truyền thuyết, truyền thống, tổ sư, kinh sách lâu đời ghi lại, mà hãy nghe xem coi nội dung đó là thiện hay ác, có lợi mình lợi người, hại mình hại người hay không, chứ không phải vì điều đó được tuyên bố bởi thầy nào, sư phụ, tổ sư, giáo chủ nào, truyền thống nào.

Kinh Kalama là một bài kinh rất nổi tiếng, nổi tiếng đến mức chúng ta có thể nói rằng một trăm ông Tây bà Đầm nghiên cứu Phật pháp đều biết kinh này, bởi bài kinh đó là một nhát búa đóng thẳng vào Thánh kinh của Thiên Chúa. Bên Cơ Đốc nói “Phúc cho ai không thấy mà tin”, trong khi bên kinh Pāli thì có bài kinh đặc biệt nói ngược lại, đừng tin vào truyền thống, đừng tin vào sư phụ mà chỉ quan sát nội dung điều mình được nghe rồi mới quyết định tin hay bỏ.

Phải nói rằng tôi lạnh xương sống và rất xúc động, tôi không gọi đó là giấc mơ vì nó ngắn quá, khoảng chừng một giây rưỡi thôi, lại không biết ai nói, một câu nói rất mơ hồ “Kalama đừng Pārami”. Bỏ tên Pārami tôi cũng thấy hơi quê, quê ở chỗ là lý do hơi phong thần, và quê nữa là cách đây mấy ngày mình đã thiết tha tâm huyết viết một bài về tên gọi Parami, giờ đây biết phải ăn nói làm sao với bàn dân thiên hạ đây.

Thế là tôi chỉ âm thầm đặt miếng gỗ thông vát xéo trên đó khắc chữ Kalama Hermitage. Quá hay, quá đặc biệt. Và tôi rất hoan hỉ! Nếu nói hơi phong thần một chút tôi nghĩ là chư thiên cho mình cái tên đó. Tôi lại nghĩ biết đâu trong tiềm thức mình vì có cái thao thức trăn trở nên cuối cùng đã chọn tên Kalama. Tôi gọi cho mấy người Phật tử quen ở Châu Âu, vừa nhắc cái tên Kalama là họ đều thích và nói tên đó hay quá. Chưa nói đến ý nghĩa kinh điển, ý nghĩa tinh thần, chỉ riêng cái tên là thấy dễ thương rồi nên tôi đặt cho nó cái tên là Trung tâm Kalama, hàm ý đây là một trung tâm mà chúng ta đến để chúng ta nhìn lại kinh điển, nhìn lại chính mình.

Đây là trung tâm nhìn lại chứ không phải trung tâm tin nhận, trung tâm tin theo, cắm đầu mù quáng. Đây là chỗ để chúng ta nhìn lại. Dù có đến đó để đọc sách cũng để nhìn lại, có đến đó để tu tập tuệ quán cũng để nhìn lại mình thôi. Tôi gọi đó là trung tâm Kalama.

Sư Giác Nguyên

Google Map
Kalama Tawya Yeiktha - 22°05'10.3"N 96°32'03.8"E


Khu đất tọa lạc trên một ngọn đồi có tầm nhìn thoáng đãng, giáp ranh với vườn cam Hto Orange Farm và chỉ cách thác nước Pwe Kauk 2 km.

Từ thiền đường Kalama về công viên quốc gia Kandawgyi National Park chỉ mất 10 phút xe hơi, nghĩa là có thể đi xe đạp.

Thiền đường là nơi tu tập nội hướng nhưng nếu ở một vị trí dễ dàng đi lại các nơi thì vẫn là một thuận duyên cho hành giả.

Với diện tích 4.2 acres đất đồi, trung tâm Kalama đủ rộng để xây dựng 30 thiền thất trên 15% diện tích chung và phần còn lại sẽ dành hết cho một mô hình vườn thiền kiểu Nhật Bản để có thể trở thành một nơi chốn di dưỡng tâm linh cho những ai muốn có một chốn về đúng nghĩa.

Với thời tiết mát mẻ quanh năm, khác hẳn với các vùng mệnh danh chảo lửa như Yangon hay Mandalay, lại kề cận với phi trường quốc tế Mandalay (rất tiện để về Bangkok, Singapore hay Việt Nam), Pyin Oo Lwin là miền đất lành cho những hành giả cần tìm một nơi trốn nóng cho cả thân tâm.

Bước Đầu Trên Đất Thiền - ngày 8 tháng 7 năm 2019

Trong buổi ký giấy trịnh trọng ngày 8 tháng 7 năm 2019, các vị chư tăng Miến đã chấp thuận bàn giao khu đất cho tăng chúng Việt Nam.



Sáng ngày 10 tháng 7 các vị sư tăng làm lể hồi hướng chư thiên cho khu đất Kalama tại Pyin Oo Lwin Myanmar.

Sau đó các phật tử trong đoàn thiện nguyện, từ Việt Nam, Mỹ, Úc, Châu Âu đã khởi công trồng cây cho khuôn viên thiển viện.



Lễ Động Thổ - ngày 28 tháng 11 năm 2019

Sau bao chờ đợi, lúc 4 giờ chiều ngày 28 tháng 11, chư tôn đức Myanmar gồm ngài quận trưởng và chư tăng tháp tùng đã đặt chân vào mảnh đất Kalama thực hiện buổi lễ động thổ với hai lần tuyên ngôn bằng tiếng Pali và Miến Ngữ. Sau tuyên ngôn của chư tăng, bốn nam cư sĩ đã hai lượt đi quanh đất Kalama chôn đá trấn địa và rải cát cùng nước cát tường theo nghi thức thiền môn Myanmar. Theo lời dạy của các ngài, tên gọi chính thức của thiền đường Kalama sẽ là Kalama Tawya Center.



Khởi Công - ngày 8 tháng 12 năm 2019

Các bước khởi công từ hai hôm nay tại Kalama. Theo dự toán, đến Phật Đản 2020 sẽ hoàn tất hai thiền thất đầu tiên gồm 8 phòng bên trong. Kalama sẽ có tất cả 8 thiền thất bằng gỗ căm xe (7x4 phòng) cho hành giả và thiền sư. Xen lẫn trong vườn thiền sẽ có ít nhất 4 thiền thất cỡ dành cho một người, được làm hoàn toàn bằng tre với kiểu mẫu được chọn lọc từ khắp nơi.
Về giá cả xây dựng, theo chủ xây dựng cho biết trên giấy tờ là 9 ngàn Mỹ Kim cho mỗi phòng, tức một thiền thất bốn phòng trước mắt không dưới 36 ngàn USD.



Đình trệ do nạn đại dịch COVID

Trong tình trạng phong bế hầu như khắp nơi và tưởng như chướng duyên ấy, các thầy thợ Miến Điện lại lấy đó làm thuận duyên để toàn tâm dốc sức cho Kalama. Và trong điều kiện cách ly như có thể, công việc xây dựng ở Kalama cho đến hôm nay vẫn tiếp tục đều đặn. Tám thiền thất đầu tiên cho hành giả chỉ còn những công đoạn sau cùng để có thể sử dụng trước tháng 9 năm 2020.

Công trình tiếp theo, được xem là cấp thiết nhất lúc này, là trai đường với diện tích 12x24, tính luôn gian bếp ((riêng phần nầy khoảng 100 mét vuông). Theo tinh thần giản tiện của Kalama, các bữa ăn của hành giả sẽ được tổ chức theo lối Buffet với các bàn ăn trên sàn nhà (có thể sử dụng như bàn học khi cần) và có thể dễ dàng thu dọn cất vào kho để nhường chỗ cho một không gian rộng rãi cho các mục đích sử dụng khác.

Trong thời gian chưa có ngôi thiền đường chính thức, thì mọi sinh hoạt của Kalama (gồm các khóa thiền và lớp học) sẽ diễn ra tại đây. Ngay khi có đủ 30 phòng (trong 9 thiền thất) thì hi vọng lúc đó trận đại dịch Covid đã kết thúc và khóa thiền đầu tiên đã có thể tổ chức.

Về hình thức kiến trúc, ngoài tầng trệt để sinh hoạt đại chúng, trai đường còn có tầng thượng để hành giả có thêm một nơi tu tập thông thoáng hơn, dù toàn khu Kalama đã nằm trên đồi cao.

Chỉ mong ma chướng tránh đường
Để trong sinh tử người thương được người...


Mua thêm đất kế bên

Công trình xây dựng thiền đường (12 x 24 m) đã chính thức khởi công, cộng với 1 thiền thất 4 phòng sẽ được thực hiện cùng lúc.

Ngay lúc này, một duyên sự khác lại đồng thời diễn ra. Chiều ngày 6 tháng 2 ăm 2021 vừa qua, trung tâm Kālāma vừa ký tên mua thêm miếng đất bên cạnh, nằm trên cao điểm của ngọn đồi mà trung tâm Kālāma hiện chỉ là phần triền thấp hơn. Miếng đất vừa mua rộng 3.7 acres so với miếng đất Kālāma đang tọa lạc có diện tích 4.7 acres.

Việc mua thêm đất là nhằm vào hai mục đích: Không để nhà dân quá gần với thiền viện và có thêm mặt bằng cho công trình khác như trạm xá y tế cho tăng ni hoặc cũng có thể là chỗ tu học cho các sa-di hay tu nữ sau này. Giá tiền cho phần đất mới mua là 220 ngàn Mỹ Kim, hiện chúng ta chỉ có được một nửa.

Trung tâm Kālāma từ lúc đầu đến nay đã phải vượt qua bao ma chướng, nhưng với câu khẩu quyết duy nhất là ta không có gì cho riêng mình, chúng tôi đã tiếp tục đi về phía trước với biểu tượng Pháp luân trên vai nặng gấp chục lần thập giá.

Tháng 9 năm 2023 sẽ là trạm cuối của cuộc hành hương đầy khổ nạn ấy, khi ngôi thiền đường được lạc thành và mảnh đất mới được chi trả hoàn tất.

Kālāma hôm nay - 2023